NHẬT KÝ LANG THANG 1: Hạ Lưu Sông Hương

[contact-form-7 404 "Not Found"]

Chiều thứ bảy không có việc gì làm, lấy xe đạp làm một vòng về phía hạ lưu sông Hương.

Những lần trước, mình đã đạp xe tà tà qua các làng phía hữu ngạn của dòng sông có những cái tên rất đẹp: La Ỷ, Tiên Nộn, Vọng Trì, Thế Vinh, Thanh Tiên, Triêm Ân, Lại Ân,…
Lần nầy mình theo đường về Thuận An rồi qua ngã đập Thảo Long đi ngược lên theo phía tả ngạn qua cac làng Thuận Hoà, Thanh Phước, Triều Sơn, Địa Linh, Bao Vinh,…
Đập (cầu) Thảo Long trong nắng chiều với đàn trâu đang dầm mình thoả thuê trong nước, nhìn ngược lên xa xa là làng Quy Lai, cảnh đồng quê với làn khói rạ, mặt trời đương dần tắt. Tuy vậy mình vẫn còn chụp được rõ Ngã ba Sình:


“Đò từ Kim Luông, đò qua Đập Đá,
Đò về Vỹ Dạ, thẳng Ngãba Sình,
Lờ đờ bóng ngã trăng chênh,
Giọng hò xa vắng, nặng tình nước non…”

Không có giọng hò nặng tình nước non nào cất lên cả, lòng thấy nặng và đôi chân cũng nặng. Lên đến Bao Vinh thấy ngôi miếu nhỏ đề Văn Minh Trần công miếu mình đoán là miếu thờ Phụ chánh đại thần Trần Tiễn Thành, ông nầy làm quan nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức đã từng được tặng Văn Minh điện Đại học sĩ. Câu đối hai bên đền:


“Đức đại an dân thiên cổ thịnh.
Công cao hộ quốc vạn niên trường!”

À thì ra người có công hộ quốc và có đức an dân đời nào cũng được tôn kính. Bọn bán nước thì sao nhỉ? Hỏi tức là đã trả lời!!!

fb.com/son.phanthanh.796

NHẬT KÝ LANG THANG 2: Bên Sông Bạch Yến

Hôm nay mình đạp xe dọc theo sông Bạch Yến, sông nầy là một chi lưu của sông Hương, tách sông Hương ở vị trí làng Xước Dũ.
Trước đây sông Bạch Yến chảy qua kinh thành, khi xây dựng người ta nắn dòng nó thành Ngự Hà, một số đoạn bị san lấp tạo thành các hồ trong kinh thành như hồ Tĩnh Tâm, hồ Học Hải. Năm 1805, khi đào Hộ thành hà, người ta đào thông với một nhánh trên thượng lưu của nó cho nên nó còn có tên là sông Thông hay sông Chợ Thông.

Mình từ nhà ra khỏi thành qua cửa Chánh Tây rồi qua Kim Long, An Ninh, Lựu Bảo dọc theo sông lên đến nơi nó tách nhánh ở làng Xước Dũ.
Các làng dọc hai bên bờ sông, nhờ phù sa, cây trái hoa màu sum xuê, một màu xanh ngút ngàn tầm mắt. Những ngôi nhà cổ kính nằm khuất trong vườn cây trái, nhiều nhà vẫn còn giữ lại được cổng nhà xưa rất đẹp.
Đạp xe chầm chậm qua những con ngõ nhỏ, vắng tiếng động, chỉ có tiếng xào xạc của lá, tiếng chuyển mình của cành, dựng xe ngồi bệt xuống về đường, mong cho thời gian ngừng lại.
Về ngang Linh Mụ, nhớ 2 câu thơ trong bài “Thiên Mụ chung thanh” của vua Thiệu Trị:


“Trăm tám hồng thanh tiêu oán kết,
Ba ngàn thế giới tỉnh phàm duyên”

“Chim bay về núi túi (tối) rồi,
Không cây nó đậu, không mồi nó ăn!” Ca Dao
(Máy không có téle nên các bạn phóng to ra sẽ thấy một đàn chim với những chấm nhỏ liti)

Nhìn lên tháp Phước Duyên thấp thoáng sau bóng thông, dù không nghe kịp tiếng chuông chiều nhưng lòng cũng đã kịp “tiêu oán kết” và hình như cũng đã “tỉnh phàm duyên”!

fb.com/son.phanthanh.796

NHẬT KÝ LANG THANG 4: Buổi Chiều Phá Tam Giang

Chiều nay dự định về phá Tam Giang nên đạp xe đi sớm vì khá xa:

“Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang!”

Tam Giang là nơi hợp lưu của sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu trước khi đổ ra biển cả.
Khung cảnh sông nước mênh mông, bốn bề gió lộng, mang theo cả vị mặn của nước biển và mùi tôm cá đặc trưng vùng đầm phá.
Cầu Tam Giang bắt qua vùng đầm phá rộng dài, phá thế chia cắt các xã ven biển với đồng bằng. Cầu nghe nói được xây ở vị trí bến đò Ca Cút hồi trước. Đến tận giờ nầy mới về đến bến đò Ca Cút, mới biết nhưng cái địa danh nầy thì nghe rất quen thuộc và dân dã, dễ thương làm sao, nó gợi nhớ một thuở ấu thời! Hồi nhỏ đi đâu chơi xa không nghe được tiếng người lớn gọi, thì lúc về đến nhà chi cũng bị mắng yêu:”Chơ mi đi mô mà tau kêu như kêu đò Ca Cút rứa mi?”.
Nhà ngoại mình ở gần bến đò Cồn, những đêm mưa, tiếng người gọi đò khắc khoải: “bơ…đò….!!!” nghe như có niềm tuyệt vọng lẫn vào, nghe xao xuyến trong tâm làm mất ngủ. Đó là tiếng gọi đò trên sông Hương, còn đây bến đò Ca Cút giữa mịt mùng xa ngái một vùng mây nước, đứng bên nầy bờ nhìn sang bên kia còn thấy mờ ảo thì thử tưởng tượng tiếng kêu đò còn thống thiết và thảm não đến mức độ nào!
Mặt trời dần tắt nắng, trên phá vắng hẳn bóng người, không gian trầm lắng u hoài quá. Mình cứ đi mãi dọc theo phá và bị lạc không biết đường về. Cứ vừa đi, vừa hỏi đường về Sịa rồi lên Huế qua ngã Thanh Hà bỏ lại sau lưng bến đò Ca Cút đã trở thành dĩ vãng.
Về đến nhà phố đã lên đèn từ rất lâu, rất lâu!

fb.com/son.phanthanh.796

096 222 2003